Đối với các bài viết về kỹ thuật trồng nấm, bà con vui lòng đăng nhập theo hướng dẫn để có thể xem. Xin lỗi vì sự bất tiện này.
1. GIỚI THIỆU VỀ NẤM SÒ.
Nấm Sò được coi là một loại rau sạch cao cấp, có hàm lượng Vitamin và chất khoáng rất cao, được so sánh với nhiều loại thực phẩm khác như: Thịt, Cá, Trứng gà.v.v.
Nấm Sò là sản phẩm hàng hoá không chỉ mua bán ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật bản, Đài loan, Thái lan... Hiện nay, nấm Sò tươi ở thị trường và một số nơi khác đơn giá có thể từ 50.000 -60.000 đồng/1kg.
Nấm Sò thường có nhiều loại, chúng khác nhau về màu sắc, hình dạng và khả năng thích nghi với nhiệt độ. Nấm có dạng hình phễu lệch, mọc thành cụm bao gồm 3 phần chính: Mũ, phiến, cuống.
Nấm Sò xám
Nấm Hồng Ngọc
2. CHUẨN BỊ NHÀ TRẠI TRỒNG PHÔI NẤM SÒ
Nhà trại đặt phôi nấm hết sức quan trọng, thiết kế phải đảm bảo thoáng nhưng ít hoặc không để bị gió lùa và tránh ánh nắng rọi vô. Giàn sắt chịu lực phải đảm bảo chắc chắn và an toàn nếu sử dụng giàn treo, nếu dùng kệ phôi thì giàn sắt thường là được.
Hệ thống tưới nước gồm cả phun sương và tưới tay. Bố trí giàn treo hay kệ đựng phôi hợp lý để nấm có không gian thở và người đi chăm sóc, thu hái, tưới tiêu cũng dễ dàng hơn, vậy thì năng suất sẽ cao, thu hoạch nhanh, vệ sinh phôi nấm tiện.
2.1 Chọn địa điểm xây dựng nhà trại trồng nấm sò cần lưu ý:
- Cách xa các nguồn lây bệnh như: cống rãnh, bãi rác thải, chuồng trại chăn nuôi, phế thải trồng nấm
- Cách xa các nơi có nhiều bụi bặm như nhà máy xay xát, nhà máy chế biến nông sản…
- Đặt ở vùng đất cao không bị đọng nước, ngập lụt.
- Đặt nơi có nhiều cây xanh xung quanh vừa tạo bóng râm vừa chắn bớt gió và giữ ấm cần thiết cho nấm
- Có nguồn nước, không khí sạch, không khí không bị ô nhiễm
- Không xây dựng trại nấm ở đồi trọc, giữa cánh đồng vì nhiều gió và nhiệt độ thay đổi lớn giữ ngày và đêm
2.2 Bố trí nhà trồng nấm sò
Nhà trồng nấm sò cần đảm bảo:
- Sạch sẽ, tránh ánh nắng trực tiếp
- Có khả năng giữ ẩm tốt luôn duy trì độ ẩm từ 80-90%, tránh gió lùa nhưng không quá kín làm ngộp nấm, nhiệt độ từ 25-27 oC
- Gần nguồn nước tưới và có đường dẫn thoát nước tốt.
- Có hệ thống cửa điều chỉnh độ thông thoáng khi cần thiết.
- Nhà trồng có thể thiết kế theo kiểu chữ A hoặc vòm.
- Trong nhà trồng có thể thiết kế giàn kệ hoặc dây treo phôi nấm
2.3 Khử trùng và vệ sinh nhà trồng
Khử trùng bằng nước vôi
Bước 1: chuẩn bị hóa chất và dụng cụ khử trùng
- Hóa chất vôi sống hàm lượng CaO >60%
- Dụng cụ: thau nhựa, thùng pha nước vôi, ca nhựa, bình tưới, que khuấy, cào sắt, xẻng, chổi quét, cân
- Bảo hộ lao động: khẩu trang, găng tay cao su
Bước 2: Pha nước vôi
- Mang bảo hộ lao động
- Cân 4-5kg vôi bột cho vào 100 lít nước sạch
- Khuấy đều dung dịch nước vôi bằng que khuấy, cho vôi hòa tan hoàn toàn trong dung dịch, màu nước vôi trắng đều
Bước 3: khử trùng
- Mang bảo hộ lao động
- Vệ sinh sạch sẽ nhà trồng nấm bằng chổi, cào…
- Dùng bình tưới để tưới nước vôi khắp nền nhà, giàn kệ trong nhà trồng
- Dùng chổi thấm nước vôi quét lên tường nhà
Khử trùng bằng vôi bột:
Bước 1: chuẩn bị hóa chất và dụng cụ khử trùng
- Hóa chất vôi sống hàm lượng CaO >60%
- Dụng cụ: cào sắt, xẻng, chổi quét
- Bảo hộ lao động: khẩu trang, găng tay cao su
Bước 2: khử trùng
- Dùng chổi, cào sắt, xẻng thu dọn sạch sẽ các vật dụng, rác thải, chặt bỏ bụi rậm xung quanh nhà trồng
- Mang găng tay xúc vôi bột rải đều trên nền nhà, xung quanh tường, các giàn kệ trong nhà trồng
- Đợi 2-3 ngày chuyển các túi phôi vào
3. CHĂM SÓC PHÔI MỚI VỀ
Sau khi nhận phôi về thì xếp phôi hoặc treo ngay, để tránh phôi bị ngộp và nóng trong quá trình vận chuyển làm chết tơ. Giai đoạn nuôi tơ không tưới nước, trại phải thoáng mát để bịch phôi nhanh phục hồi tơ. Sau đó để yên đến khi thấy tơ ăn hết khối nguyên liệu, chuyển sang màu trắng là đạt. Thường xuyên kiểm tra nhà trại xem phôi có nhiễm mốc xanh, mốc đen không. Nên loại bỏ những bịch nhiễm để tránh lây sang các bịch khác.
4. CHĂM SÓC NẤM
Khi phôi nấm đã ăn tơ trắng hết bịch, tỷ lệ nấm bối ra khoảng 10 – 15 %, ta bắt đầu tháo hết giấy báo hoặc bông ra, rồi đậy nắp lại khoảng 7 ngày.
Sau 7 ngày ta tiến hành sốc nhiệt: Tưới phun sương đẫm nước lên phôi khoảng 30 phút vào sáng sớm hoặc chiều tối (có thể lâu hơn thì càng tốt)
Sau 3 – 4 tiếng thì tháo hết các nắp đậy, che chắn nhà trồng, 12 tiếng sau bắt đầu tưới phun sương nhẹ, tránh tưới vào cổ quá nhiều làm đọng nước trong cổ nhanh hỏng phôi. Ngày tưới 2 – 3 lần, trời quá nắng hoặc gió thì tưới nhiều lần hơn. Lúc này ta kết hợp xả nước nền để tạo độ ẩm trong trại tăng lên đạt khoảng 85-90%.
Sau 2 – 3 ngày sốc nhiệt thì nấm con bắt đầu xuất hiện, chúng lớn rất nhanh. Giai đoạn này nấm cần hơi nước và độ ẩm để phát triển nên ta phun sương 4 lần/ ngày. Mỗi lần phun sương khoảng 5-10 phút, tùy theo nhiệt độ trong tại.
Sau 2 ngày tiếp theo nữa là có thể thu hoạch đồng loạt. Không để nấm quá lớn mới thu hoạch sẽ gây ảnh hưởng năng suất lứa sau.
Phôi đang ra nấm
5. THU HOẠCH
Cách thu hoạch nấm là nắm chân nấm vừa vặn và rút ra, hái hết cả chùm. Sau khi hái hết một đợt nấm, ta tiến hành làm vệ sinh gốc nấm còn sót lại, để tránh trường hợp bị nhũng thối và gây bệnh cho trại nấm
VỆ SINH CHÂN NẤM SAU THU HOẠCH
Dùng thìa cạy nhẹ phần chân nấm còn sót lại trong cổ bịch, không cạy sâu vào phôi.
Thông thoáng nhà trồng khoảng 3 – 4 tiếng cho khô vết cạy rồi dùng nắp đã vệ sinh sạch đậy lại (có thể xử lý nắp sau mỗi lứa bằng cách ngâm nước vôi pha loãng rồi đem phơi ráo, hoặc có nồi hấp hơi thì cho vào bao hấp nắp sẽ đảm bảo diệt khuẩn mốc tốt hơn)
Để yên cho tơ hồi phục, không tưới nước khoảng 7 ngày. Sau đó lặp lại các bước từ sốc nhiệt trở về sau như đã hướng dẫn ở trên, cứ như vậy chăm sóc cho các đợt tiếp theo.
Sau mỗi đợt thu hoạch ta làm giống như trên và vệ sinh khu vực nhà trồng cho sạch không để bị nhiễm bệnh.
LƯU Ý: Một bịch phôi có thể cho ra nấm rất nhiều đợt. Trung bình mỗi bịch phôi thu từ 5-7 đợt, càng về sau năng suất càng giảm dần, trung bình 250 – 350 gr nấm/ bịch phôi.
6. BẢO QUẢN
Tùy vào đóng gói bằng túi nilong hay gì hoặc dùng sấy khô, nhưng tốt nhất nên đóng gói nấm tươi nhanh và sớm để đưa vào tủ mát bảo quản, tránh để nấm bên ngoài quá lâu. Tốt nhất là dưới 1 tiếng nấm phải có mặt trong tủ mát.
Khi đóng gói, nên xếp các tai nấm nằm chúi hướng xuống và nằm dọc, để tránh quá trình vận chuyển xe, có va đập nhẹ thôi cũng sẽ bị rách tai nấm nếu tai nấm nằm ngang. Bạn sắp xếp đúng như trên sẽ không lo vận chuyển đi xa, khi đến nơi trong các bịch nấm tai nấm bên trong vẫn đẹp nguyên vẹn.
Bảo quản Nấm sò tươi tốt nhất là tủ mát từ 3-8 độ, trung bình là 5 độ. Nếu sản lượng nhiều thì nên có kho lạnh.
Nấm sò được xếp vào loại “nấm thịt”, tai nấm khi chuyển sang dạng phễu lệch là lúc thu hái. Nấm có thể bán tươi hoặc khô.
Nấm có thể chế biến thành nhiều món ăn, đơn giản như: xào dầu, chiên hột vịt, nấu canh, nấu súp….
Nấm tươi thu hái tốt nhất dạng phễu và tránh để ướt nước, không chồng chất lên nhau nhiều quá hoặc không bị nắng gắt… có thể giữ 12 giờ ở nhiệt độ thường. Nếu để điều kiện mát ( 15-200C), nấm có thể giữ 3-5 ngày. Ngoài ra có thể kéo dài thời gian bảo quản, nếu giữ trong túi PE với nồng độ CO2 cao ( trên 25%)
Trong trường hợp không tiêu thụ kịp nấm tươi, có thể phơi khô nấm để bảo quản và bán dần. Nấm bào ngư rất dễ làm khô, chỉ cần trải đều ra và hong gió là tai nấm đã khô lại. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nấm khô, sau khi phơi, cần sấy thêm ở nhiệt độ 400C trong 4 giờ. Trung bình 10-11kg nấm tươi sẽ cho ra 1 kg nấm khô
7. MỘT SỐ BỆNH HẠI KHI TRỒNG NẤM SÒ
Một số điểm lưu ý trong quá trình nuôi trồng nấm Sò.
Nấm sò có sức sống rất mạnh, nhiều nơi người ta sử dụng cả bịch nấm mèo không mọc được hoặc bị mốc, hấp lại và trồng nấm bào ngư. Do đó, so với những loài nấm khác thì nấm sò là loài ít bệnh nhất
Tuy nhiên, khi nuôi trồng, nấm lại rất nhạy cảm với môi trường, như nhiệt độ lên xuống đột ngột cũng có thể làm nấm ngừng tăng trưởng không mọc hoặc tàn nhanh. Nước tưới bị phèn, bị mặn cũng làm nấm không phát triển được hoặc dị dạng. Qúa trình tưới, nếu giọt nước quá lớn hoặc mạnh sẽ làm chết các nụ nấm và tai nấm đang trưởng thành. Tai nấm bị ướt nước thường nhũn ra và chết rũ.
Đối với bệnh nhiễm, thì có hai bệnh chủ yếu: mốc xanh và ấu trùng ruồi.
Mốc xanh phát triển mạnh trên các cơ chất có chất gỗ, chúng có thể tranh ăn với nấm sò và làm ảnh hưởng đến năng suất nấm. Nấm bệnh bắt đầu từ những vết bông xanh, sau đó chúng nhanh chóng chuyển sang đen. Để hạn chế sự phát triển của loài mốc này cần khử trùng tốt nguyên liệu trồng nấm hoặc nâng pH môi trường
Phôi bị mốc xanh
Trường hợp ấu trùng ruồi hay gọi là giòi, chúng chui vào bịch và bịch sẽ bị thâm quầng từng mảng. Đôi khi chúng cũng len vào giữa các khe bên dưới mũ nấm, cắn phá làm hư hại nấm. Tốc độ sinh sản của chúng rất nhanh, nên thiệt hại không phải nhỏ. Vì vậy nhà trồng nên làm lưới chắn để tránh ruồi chui vào. Tuy nhiên vấn đề chính là vệ sinh nhà trại, không để ổ dịch phát sinh.
Phôi bị ấu trùng