Chợ nấm Việt

DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN NÊN ĂN GÌ ĐỂ LẤY HÊN ĐẦU NĂM MỚI ?

Ăn món ăn gì ngày tết để lấy may mắn không phải là một điều mê tín dị đoan. Vào năm mới, người Việt ta thường hướng đến những điều may mắn, ăn những thức ăn và làm những việc mang hơi hướng hạnh phúc để nhằm cầu mong một năm mới an yên.

 

Xôi gấc - thịnh vượng cát tường

Đĩa xôi gấc với màu đỏ cam thuần túy như rực sáng giữa mâm cỗ thường được thấy ở miền Bắc. Màu đỏ cam tươi sáng biểu thị cho sự rực rỡ, mong muốn một năm mới thịnh vượng. Màu đỏ từ lâu đã là màu của cát tường như ý.

Người Việt quan niệm rằng màu đỏ là màu của sự may mắn, hạnh phúc. Vì vậy, trong dịp Tết, các gia đình đều không thể thiếu món xôi gấc với mong muốn một năm thuận lợi, vạn sự như ý.

Xôi gấc có vị dẻo thơm của những hạt lúa nếp, có màu đỏ tươi tắn, còn chứa đựng đủ vị bùi, béo, ngậy... rất đặc trưng từ quả gấc. Món xôi này không chỉ mang đến vị lạ, ngon trong ngày tết mà còn gửi gắm một giá trị tinh thần cho ngày tết truyền thống Việt Nam.

Ngoài ra, trong ngày tết cổ truyền, người Việt còn sử dụng mứt gấc hay dùng quả gấc để gói bánh chưng... như muốn tạo được màu đỏ cho sự may mắn trong năm mới.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ biết ăn xôi gấc may mắn mà không biết đây cũng là món ăn có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe. Quả gấc dùng làm xôi gấc được ví là “loại quả của thiên đường” bởi những công dụng tuyệt vời.

Theo nghiên cứu của Đại học Califonia (Mỹ), hàm lượng lycopen trong gấc cao gấp 70 lần so với cà chua – loại quả rất giàu lycopen. Nhờ có chất này cùng các chất khác như vitamin E, carotene… quả gấc có thể làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, đặc biệt ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt…

Ăn gấc cũng giảm được lượng cholesterol, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch. Từ đó chống tai biến, chống các bệnh tim mạch, tăng tuổi thọ.

 

Gấc chứa nhiều sắt, vitamin C và axit folic nên rất có lợi cho việc chống lại bệnh thiếu máu.

 

Ngoài 3 tác dụng nổi bật trên, gấc còn giúp tăng cường thị lực, làm đẹp da và ngăn ngừa trầm cảm nhờ các chất như curcumin, selen, khoáng chất và các vitamin khác.

Cá chép - Sự nghiệp thăng tiến

Trong tiếng Hoa, cá có phát âm giống chữ "dư" trong tiếng Việt. Những món cá như chá chép, cá quả, cá thu, cá ngừ... thường được yêu thích. Những món ăn từ cá trong mâm cơm Tết giúp chống lại cái ngán từ nhiều món thịt mỡ. Mâm cỗ cúng gia tiên, người ta thường dâng các món canh cá, cá hấp, cá chiên xù được trang trí vô cùng tỉ mỉ

Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép, loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong 3 ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, công việc thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta luôn chừa lại phần đuôi, nhằm ý muốn luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ làm ra để đủ ăn đủ mặc.

Cá chép dễ hấp thụ hơn so với các loại thịt gia súc, gia cầm do có chứa protein amino acid tương đương với thành phần protein amino acid mà cơ thể cần.

Theo Đông y, cá chép là dương tính trong âm tính, có tác dụng lợi tiểu tiện, nên có thể chữa được bệnh khi kết lạnh, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy. Đặc biệt cá chép còn được coi là thuốc bổ cho phụ nữ.

 

Ngoài ra, cá chép còn có một lượng khá nhiều các axit béo không bão hòa đa omega 3. Trong đó, eicosapentaenoic acid (EPA) có tác dụng làm giảm chất béo trong máu, phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, chống ung thư.

Quả sung - Một đời sung túc

Nhân dân ta rất thích trồng cây sung và bày sung trong ngày Tết. Trong mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có thêm một chùm quả sung. Theo quan niệm dân gian, sung là loại cây cảnh mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy.

Ăn sung không chỉ may mà còn rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt vào dịp Tết, mọi người thường ăn thịt, cá nhiều dễ bị khó tiêu. Sung chứa chất xơ nên giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, giảm táo bón.

 

Bên cạnh đó, ăn sung còn có thể cải thiện huyết áp và lượng mỡ trong máu, cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chị em bị viêm da dị ứng vào mùa lạnh hay da bị khô, ngứa do dị ứng cũng có thể ăn sung. Chiết xuất từ quả sung được chứng minh có tác dụng chống oxy hóa trên tế bào da, giảm sự phân hủy collagen và cải thiện sự xuất hiện của các nếp nhăn.

Thịt gà - khởi đầu suôn sẻ vàng óng lộc tài

Đầu xuân, người Việt ta thường dâng gà cúng với nhiều cách tạo dáng bắt mắt trước là để thể hiện lòng thành với trời đất, tổ tiên. Sau đó là mong muốn cầu mong điều tốt đẹp trong năm mới. Da gà vàng bóng óng ả, thịt gà mềm ngọt mọng nước với lời chầu chúc năm mới khởi đầu suôn sẻ, tài lộc đong đầy. Ngoài ra, trong 12 con giáp, gà còn là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ.

Có rất nhiều kiểu luộc gà khác nhau như gà luộc nước dừa, gà hấp muối sả, gà luộc nước nghệ, gà hấp lá chanh, gà hấp mắm nhỉ... được lựa chọn tùy theo sở thích từng nhà.

 

Ăn thịt gà có thể giúp xương và cơ bắp khỏe mạnh hơn, ngừa loãng xương. Bởi protein nạc trong thịt gà là một nguồn axit amin tuyệt vời. Cơ thể chúng ta sử dụng các axit amin để xây dựng mô cơ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng protein cao hơn sẽ giúp duy trì mật độ khoáng chất của xương.

Thịt kho tàu - đoàn viên sung túc

Thịt kho tàu hay còn được gọi là thịt kho hột vịt từ ngàn xưa đã mang một ý nghĩa Tết khó lòng thay thế. Nồi thị kho hột vịt mềm thấm, hột vịt đỏ ửng bên trong cùng nước kho vàng sóng sánh thể hiện cho sự đoàn viên, sung túc, dồi dào và "màu mỡ" trong năm mới.

Tết miền Nam, người ta thường kho một nồi thịt to, ăn dần trong nhiều ngày Tết. Nhiều nhà còn ăn kèm thịt kho tàu cùng cải chua hoặc dưa giá chống ngán.

Canh khổ qua là món canh phổ biến trong bữa cơm gia đình nhưng vào dịp Tết, món ăn này lại ý nghĩa hơn bao giờ hết. Hơn thế, canh khổ qua còn là một thức canh mát và bổ dưỡng. Thêm canh khổ qua vào mâm cơm Tết nhiều dầu mỡ sẽ thanh lọc cơ thể, giúp bạn nhẹ nhàng hơn.

Có nhiều cách nấu canh khổ qua như khổ qua nấu sườn, khổ qua chả cá thác lác...Nhưng thông dụng nhất trong ngày Tết Việt Nam chính là canh khổ qua nhồi thịt.

 

Mướp đắng (khổ qua) nhồi thịt là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Họ quan niệm rằng ăn mướp đắng đầu năm thì những điều xui xẻo trong năm cũ sẽ qua và những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới sẽ đến.

 

Mướp đắng cũng được chứng minh có thể giúp giảm lượng đường trong máu, giảm mức cholesterol và thậm chí có thể chống lại các tế bào ung thư dạ dày, ruột kết, phổi, vòm họng và ung thư vú.

Đu đủ - Cuộc sống đầy đủ

Đu đủ là loại quả rất quen thuộc với người Việt. Đu đủ tượng trưng cho sự no đủ về vật chất và tinh thần. Trong mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ thiếu quả đu đủ.

Đu đủ được xem là vị thuốc quý trong Đông y vì hầu hết các bộ phận của nó đều có thể làm thuốc như rễ, hoa, lá, hạt, quả,…

 

Trong những ngày Tết ăn uống no nê, ăn đu đủ có thể cải thiện tiêu hóa. Enzyme papain trong đu đủ có thể giúp protein dễ tiêu hóa hơn, cải thiện tình trạng táo bón.

Những người nên hạn chế ăn đu đủ

 

Người bị sỏi thận nên hạn chế ăn vì đu đủ chứa nhiều vitamin C. Quá nhiều vitamin C dễ hình thành sỏi thận.

Đu đủ có chứa enzyme papain – chất gây dị ứng mạnh nên người bị rối loạn hô hấp như hen nên tránh ăn.

Người bị đường huyết thấp ăn nhiều đu đủ có thể làm giảm đường huyết.

 

Dưa hấu - Cuộc sống viên mãn

Dưa hấu vừa có màu đỏ lại có hình dáng tròn trịa tượng trưng cho sự may mắn, cuộc sống viên mãn. Do đó, dưa hấu cũng là món ăn để lấy may trong ngày đầu năm mới.

Dưa hấu không chỉ ngon mà còn có cả tá công dụng tốt cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu tại Đại học Purdue (Mỹ), hàm lượng lycopene cao của dưa hấu có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm tăng huyết áp và giảm huyết áp ở người trưởng thành béo phì, ức chế viêm và giảm viêm nên không chỉ tốt cho những người bị viêm khớp mà còn tăng cường khả năng miễn dịch.

 

Dưa hấu cũng hữu ích trong việc giảm nguy cơ ung thư nhờ các đặc tính chống oxy hóa của chúng. Theo Viện Ung thư Mỹ, lycopene trong dưa hấu có liên quan đến việc giảm sự tăng sinh tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

 

Lưu ý khi ăn dưa hấu

Ăn quá nhiều dưa hấu có thể gặp tác dụng phụ do hấp thụ quá nhiều lycopene hoặc kali. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tiêu thụ hơn 30mg lycopene mỗi ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu và đầy hơi .

 

Dưa hấu có lượng đường tương đối cao nên cần chú ý không ăn quá nhiều, nhất là người bị tiểu đường.

 

Những người bị tăng kali máu nghiêm trọng, hoặc có quá nhiều kali trong máu, có lẽ không nên tiêu thụ nhiều hơn một cốc dưa hấu mỗi ngày.

 

Dứa - Con cháu đầy nhà

 

Dứa còn được là quả thơm. Dứa nhiều mắt tượng trưng cho sự đa phúc thọ, nhiều may mắn. Lá dứa lại sum suê ngụ ý công việc phát triển.

 

Vì vậy, người miền Trung thường xếp dứa vào mâm ngũ quả, có thể đặt ở vị trí cao nhất với mong muốn có được một năm nhiều sự may mắn, thuận lợi.

 

Đôi khi người miền Nam cũng xếp dứa vào mâm ngũ quả nhưng với ngụ ý mong muốn con cháu đầy nhà

Không chỉ mang lại may mắn, dứa còn đem đến vô số lợi ích sức khỏe và nó được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại quả”.

Ăn dứa trong những ngày Tết còn giúp xử lý vấn đề tiêu hóa mà nhiều người dễ gặp khi thường xuyên ăn uống dịp đầu năm. Bởi dứa có chứa bromelain, một nhóm các enzyme tiêu hóa có tác dụng phân hủy protein.

Hợp chất bromelain có trong dứa còn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư do chúng có thể giảm thiểu oxy hóa và giảm viêm. Ngoài ra còn giảm nguy cơ bệnh tim và tiểu đường.

Dứa chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các enzyme như bromelain có thể tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn chặn chứng viêm.

 

Theo Phương Nghi

Nguồn Sức khỏe đời sống

CTY TNHH Nấm Ngon Việt
CTY TNHH Nấm Ngon Việt
www.namngonviet.vn
  • 75/2/1 Hoàng Bật Đạt, F.15, Q. Tân Bình, HCM
  • 0931444468-0779111166 -0934080539
  • namngonvietvn@gmail.com
  • www.namngonviet.vn
CTY TNHH Nấm Ngon Việt
0
ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO - NẤM MỐI ĐEN - NẤM RƠM - PHÔI NẤM MỐI ĐEN
Zalo